Chính phủ và chính trị Nam_Phi

Bài chi tiết: Chính trị Nam Phi
Vùng trung tâm Pretoria, thủ đô hành chính Nam Phi

Nam Phi có một hệ thống lưỡng viện gồm: chín mươi thành viên của Hội đồng Tỉnh Quốc gia (Thượng viện); và bốn trăm thành viên của Quốc hội (Hạ viện). Các thành viên hạ viện do dân bầu theo đại diện tỷ lệ: một nửa số thành viên được bầu từ các danh sách quốc gia và một nửa được bầu từ các danh sách tỉnh. Mười thành viên được bầu để đại diện mỗi tỉnh trong Hội đồng Tỉnh Quốc gia, không cần biết số dân trong tỉnh. Các cuộc bầu cử cho cả hai viện được tổ chức mỗi năm năm. Chính phủ được hạ viện thành lập và lãnh đạo đảng đa số trong Quốc hội là Tổng thống.

Chính trị Nam Phi hiện tại do đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) chi phối, đảng này đã nhận được 69.7% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004 vừa qua và 66.3% số phiếu trong cuộc bầu cử thành phố năm 2006. Đối thủ chính đe dọa sự cầm quyền của ANC là đảng Liên minh Dân chủ, nhận được 12.4% số phiếu trong cuộc tuyển cử 2004 và 14.8% số phiếu trong cuộc bầu cử năm 2006. Lãnh đạo đảng này là Helen Zille (được bầu ngày 6 tháng 5 năm 2007). Lãnh đạo trước đó của đảng là Tony Leon. Đảng Quốc gia Mới, vốn nắm ưu thế chính trị trước kia, và là đảng đưa ra chính sách apartheid qua tiền thân của nó là Đảng Quốc gia, đã ngày càng mất tín nhiệm của nhân dân qua các cuộc bầu cử từ năm 1994, và cuối cùng đã giải tán. Đảng này đã lựa chọn hợp nhất với ANC ngày 9 tháng 4 năm 2005. Các đảng chính trị lớn khác có mặt trong Nghị viện gồm Đảng Tự do Inkatha, chủ yếu đại diện cho các cử tri người Zulu, và đảng Những người Dân chủ Độc lập, chiếm 6.97% và 1.7% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2004 và 2006.

Cơ sở chủ yếu của luật pháp Nam Phi là luật thương mại và cá nhân Rôma-Hà Lan cùng Thông luật Anh, ảnh hưởng từ những người định cư Hà Lan và những kẻ thực dân Anh. Luật đầu tiên dựa trên cơ sở châu Âu tại Nam Phi do Công ty Đông Ấn Hà Lan đưa ra và được gọi là Luật Rôma-Hà Lan. Nó được đưa ra trước khi luật châu Âu được đưa vào trong Luật Napoleonic và giống với Luật Scotland ở nhiều khía cạnh. Sau bộ luật này là cả Thông luậtStatutory law của Anh Quốc ở thế kỷ XIX. Bắt đầu với sự thống nhất từ năm 1910, Nam Phi có nghị viện riêng của mình và đưa ra những bộ luật riêng biệt cho Nam Phi, được xây dựng trên cơ sở luật pháp trước đó của từng thuộc địa.

Quan hệ ngoại giao

Nguyên thủ các quốc gia BRICS tại Hàng Châu, năm 2016.

Khi còn là Liên minh Nam Phi, quốc gia này là một thành viên sáng lập của Liên Hợp quốc. Sau đó, Thủ tướng Jan Smuts đã viết lời mở đầu cho Hiến chương Liên hợp quốc[8][9]. Nam Phi là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh châu Phi (AU), và có nền kinh tế lớn thứ hai của tất cả các thành viên. Đây cũng là một thành viên sáng lập Đối tác mới của Liên minh châu Phi vì sự phát triển châu Phi (NEPAD).

Nam Phi đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột ở châu Phi trong thập kỷ qua, như Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, ComorosZimbabwe. Sau khi phân biệt chủng tộc kết thúc, Nam Phi đã được gia nhập vào Khối Thịnh vượng chung quốc gia. Nước này là thành viên của Nhóm 77 (G77) và chủ trì tổ chức vào năm 2006. Nam Phi cũng là thành viên của Cộng đồng Phát triển Nam Phi, Khu vực Hợp tác và Hòa bình Nam Đại Tây Dương, Liên minh Hải quan Nam Phi, Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, G20, G8+5Hiệp hội quản lý cảng của Đông và Nam Phi.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nâng cấp quan hệ song phương giữa hai nước vào ngày 24/8/2010, khi họ ký Hiệp định Bắc Kinh, nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược của Nam Phi với Trung Quốc. trong cả hai vấn đề kinh tế và chính trị, bao gồm tăng cường trao đổi giữa các đảng cầm quyền và cơ quan lập pháp tương ứng[10][11]. Vào tháng 4 năm 2011, Nam Phi chính thức gia nhập BRICS, được xác định bởi Tổng thống Zuma là đối tác thương mại lớn nhất của đất nước, và cũng là đối tác thương mại lớn nhất với toàn bộ châu Phi. Zuma khẳng định rằng các nước thành viên BRICS cũng sẽ làm việc với nhau thông qua Liên Hiệp Quốc, G20 và Diễn đàn Ấn Độ, Brazil và Nam Phi (IBSA)[12].